GIỐNG BƯỞI ĐÀO ĐƯỜNG
-
Liên hệ
Muốn cây bưởi cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo, người nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật thật đúng cách, nhất là khâu chăm bón và phòng trừ sâu bệnh.
Huyện Thanh Hà, Hải Dương, ngoài cây vải truyền thống, còn phát triển một số loại cây ăn quả khác như ổi, nhãn, đặc biệt là cây bưởi đào được người tiêu dùng ưa chuộng do có đặc tính chua dịu, vị đậm, tép nhiều nước, màu hồng đào. Bưởi đào được trồng nhiều tại xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà. Từ nhiều năm nay, bưởi đào Thanh Hồng đã trở thành cây thế mạnh và là một loại sản phẩm hàng hóa đặc sản của vùng.
Điểm khác biệt giữa bưởi đào Thanh Hồng với các loại bưởi khác trên thị trường hiện nay, đó là bưởi đến kỳ thu hoạch có màu vàng nhạt, trong cùi và múi có màu hồng đào đặc trưng, khi ăn có vị chua ngọt cùng hòa quyện. Thời gian thu hoạch vào rằm tháng tám và kéo dài đến gần Tết nguyên đán.
Tuy nhiên, do cách chăm sóc và định hướng phát triển cây ăn quả của huyện Thanh Hà những năm trước mà giống cây bưởi đào Thanh Hồng đang trồng đã bị thoái hóa, đầu ra khó khăn và thương hiệu của cây bưởi đào Thanh Hồng chưa được người tiêu dùng biết đến. Chính vì vậy, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu phục tráng và phát triển cây bưởi đào tại xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương” do TS. Nguyễn Mai Thơm làm chủ nhiệm, nhằm phục tráng giống bưởi đào Thanh Hồng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, cải tạo một số vườn bưởi đào có năng suất thấp, những vườn trồng bưởi có năng suất và chất lượng đặc trưng của giống để phát triển thành vùng hàng hóa cây bưởi đào Thanh Hồng, Thanh Hà, Hải Dương. Đề tài được thực hiện trong 2 năm (2014 - 2015).
Năm 2013, Trung tâm đã thu thập 3 mẫu bưởi đào Thanh Hồng để phân tích, bước đầu đã biết được các thành phần và hàm lượng vitamin, đường, chất xơ trong quả bưởi. Đến 2014, tiến hành lấy mẫu lần 2 để phân tích nhắc lại và xây dựng bản mô tả giống gốc bưởi đào Thanh Hồng, đồng thời, tuyển chọn 10 cây đầu dòng để tiến hành phục tráng. Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm đã tiến hành ghép cải tạo nhân giống bưởi đào Thanh Hồng chất lượng cao tại địa bàn triển khai trên cơ sở cắt mắt ghép cây đầu dòng đã được bình tuyển và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, ghép cải tạo và bảo quản.
TS. Nguyễn Mai Thơm cho biết: cây bưởi rất dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, kháng được một số sâu bệnh hại, giá trị kinh tế cao, thời gian khai thác kéo dài. Cây bưởi cho năng suất cao, ở xã Thanh Hồng có trên 50 cây tuổi đời trên 50 năm, mỗi cây thu trên 1.000 quả/cây/một năm, giá trị trên 20 triệu đồng/năm/cây. Đặc biệt, cây bưởi đào Thanh Hồng rất thích hợp với thổ nhưỡng xã Thanh Hồng, ít xuất hiện sâu bệnh hại. Mối gây hại nguy hiểm nhất của các giống bưởi đào Thanh Hồng hiện nay là bệnh chảy gôm. Tuy nhiên, đối với giống bưởi đào của Thanh Hồng, người dân rất ít sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh. Chính vì vậy mà bưởi đào Thanh Hồng đã trở thành một sản phẩm sạch trên thị trường. Tuy nhiên, muốn cây bưởi cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo, người nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật thật đúng cách, nhất là khâu chăm bón và phòng trừ sâu bệnh.
Người dân tại xã Thanh Hồng, Thanh Hà rất tâm đắc với loại bưởi này vì nó như một loại cây truyền thống của xã và phù hợp với hệ sinh thái, dễ chăm sóc, năng suất lại cao. Thời gian thu hoạch khá lâu, tuy chưa đạt tầm xuất khẩu như bưởi Năm roi, Da xanh nhưng giá cả luôn ổn định, thị phần tiêu thụ mạnh nhất hiện nay là khu vực Hà Nội.
Nhiều bà con nông dân hy vọng sau khi được phục tráng thành công, nơi đây sẽ hình thành một vùng chuyên canh sản xuất bưởi đào Thanh Hồng theo tiêu chuẩn an toàn, tiến tới đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, khẳng định thương hiệu và tìm một chỗ đứng trong các siêu thị lớn trên cả nước. Có như thế, sản lượng và chất lượng bưởi Thanh Hồng mới tăng lên và tạo thế cạnh tranh với thương trường.